Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh 8 – 12 tháng bao gồm những gì? Trẻ cần đạt được các kỹ năng nào trong giai đoạn này? Bài viết này sẽ giúp cha mẹ theo dõi và hỗ trợ bé đạt được những kỹ năng cần thiết trước 1 tuổi.

  Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh 8 - 12

Ngồi không cần trợ giúp

Bé 8 tháng tuổi bắt đầu tự ngồi đươc mà không cần sự trợ giúp của người lớn hay ghế tựa. Bé có thể thỉnh thoảng nghiêng ngả, nhưng sẽ ngay lập tức tự lấy lại thăng bằng nhờ hai cánh tay của mình.

Cha mẹ có thể giúp bé tăng sức mạnh khối cơ vùng lõi (core muscle) bằng các hoạt động lăn và bắt bóng. Khi người lớn lăn quả bóng về phía bé, và bé vươn người ra để với sẽ giúp các cơ vùng lõi được củng cố và bé nhanh cứng cáp, tự chủ hơn với cơ thể của mình khi ngồi.

 

Trườn bằng tay và đầu gối

Phần lớn bé sẽ bắt đầu trườn nhanh thoăn thoắt bằng tay, bụng và đầu gối trong khoảng thời gian này (cũng có những bé sẽ bỏ qua giai đoạn trườn mà bò luôn).

Để giúp bé phát triển các cơ thật cứng cáp ở đúng các mốc phát triển của trẻ sơ sinh, bạn có thể tạo thêm các trướng ngại vật như gối, chăn…trên đường đi của bé, chắc chắn bé sẽ rất thích thú và nhanh chóng hoàn thiện kỹ năng vận động quan trọng này.

Nhặt vật thể bằng hai đầu ngón tay

Mốc phát triển của trẻ ở tháng thứ 8 cũng thường được đánh dấu bằng khả năng nhặt vật thể bằng hai đầu ngón tay cái và trỏ của bé.

Cha mẹ có thể cho bé rèn luyện kỹ năng vận động tinh với hai đầu ngón tay bằng cách cho bé chơi nhặt thả vật thể từ hộp này sang hộp kia. Hãy lưu ý sử dụng các vật thể có kích thước vừa phải như nắp chai nhựa, pompom, thanh gỗ xếp hình bé…không quá nhỏ để tránh bé ngậm, nuốt, gây hóc dị vật.

Tham khảo đồ chơi pompom

Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh 8 - 12 tháng

Khám phá các đồ vật

Từ giai đoạn 8 tháng tuổi trở đi, bé ngày càng thích khám phá mọi thứ. Ban đầu bé có thể chỉ chơi với mỗi món đồ chơi trong một hai phút, nhưng đến tháng thứ 12, bé có khả năng chú ý cao hơn, và có thể dành tới 15 phút chỉ để khám phá một đồ vật mà bé thích thú.

Đồ chơi cho bé trong giai đoạn này rất đơn giản, bạn có thể đặt trước mặt bé một rổ đồ chơi với các món đồ khác nhau, bao gồm cả vật dụng trong nhà, nồi, muôi, nắp hộp…đã được lau rửa sạch sẽ và cho bé lắc, ném, đập…thoải mái theo cách mà bé muốn.

Tìm kiếm đồ vật

Trong tháng thứ 8 và 9, các mốc phát triển của trẻ sơ sinh cho phép bé hiểu rằng đồ vật vẫn tồn tại kể cả khi bé không nhìn thấy nó.

Cha mẹ có thể cùng bé chơi trò “ú òa” với đồ vật, bằng cách phủ khăn lên một đồ vật, hoặc bỏ nó vào một chiếc hộp để bé tự lật mở. Hay kết hợp tăng cường vận động bằng cách cho bé thấy bạn cất đồ vật vào chỗ nào đó trong tầm mắt rồi yêu cầu bé đi tìm.

Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh 8 - 12 tháng

Không an tâm với người lạ

Trẻ trong giai đoạn này đã biết phân biệt quen – lạ, và không còn dễ dàng để cho bất cứ ai bế, nựng như những tháng đầu nữa. Bé có xu hướng cảm thấy không an tâm với người lạ, có những bé phản ứng dữ dội hơn như khóc, thét nếu thấy người lạ quá vồ vập.

Trong những tình huống gặp người lạ hoặc người lâu ngày không gặp, bố mẹ hãy ở sát bên bé, và để người mới đến tiếp cận dần dần bằng cách nói chuyện, cười với bé, bé sẽ an tâm hơn và chỉ mất vài chục phút đến hơn một giờ, bé sẽ dần quen, chơi như bình thường.

Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh 8-12 tháng tập nói

Chú ý đến việc người khác nói chuyện

Trong giai đoạn này, bé đang chuẩn bị tập nói nên sẽ rất quan tâm khi thấy mọi người xung quanh nói chuyện với nhau.

Câu chuyện càng phong phú về ngữ điệu, và nhiều hành động, cử chỉ thì bé càng thích thú hơn. Khi nói chuyện với bé hãy nói rõ ràng, với tốc độ bình thường, có lên xuống trầm bổng…để bé quan sát được cả cách phát âm từ miệng và cử chỉ, và biểu cảm khuôn mặt của bạn khi nói.

Phản ứng với các yêu cầu bằng lời nói

Bé từ 8 tháng trở đi cũng bắt đầu biết phản ứng, đáp lại với các yêu cầu đơn giản bằng lời nói của người khác như đưa đồ vật, nhấc chân, tay khi được mặc quần áo…

Cha mẹ có thể luyện cho bé bằng cách vừa chạm tay vừa gọi tên các bộ phận khi mặc quần áo cho bé: “Con nhấc chân bên này lên (chạm tay vào một chân). Rồi, đến chân bên này (chạm tay vào chân còn lại) nào!”, “Con cho tay vào đây!”, “Mình đội mũ lên đầu nhé!”

Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh 8 - 12 tháng

Phát triển trí nhớ

Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh ở những tháng cuối năm đầu đời cho thấy bé bắt đầu có khả năng ghi nhớ rất tốt.

Đây cũng là giai đoạn phù hợp để bắt đầu các trò chơi luyện trí nhớ đơn giản với flashcard. Hãy đặt khoảng 3 – 4 tấm flashcard có hình ảnh vật thể hoàn toàn khác nhau về màu sắc và hình dáng, tránh những vật thể na ná có thể làm bé lẫn lộn. Khi bé chỉ vào từng đồ vật, bố mẹ hãy đọc tên đồ vật thật rõ ràng để giúp bé ghi nhớ.

Tham khảo flash card

Bắt chước mọi người

Trẻ nhỏ học thông qua quan sát và bắt chước. Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi bạn thấy bé lặp lại vô cùng thích thú những hành động của bạn.

Hãy đưa cho bé những vật thể phù hợp như bàn chải, cốc, lược, hay điện thoại đồ chơi, để bé có thể làm các hoạt động thực hành cuộc sống đơn giản. Chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy bé tự say sưa chải tóc, hay “alo” điện thoại rất “oách”.

Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh 8 - 12 tháng

Lựa chọn đồ chơi yêu thích

Giống như khả năng nhận biết lạ – quen, bé cũng thể hiên sự yêu thích với những món đồ chơi nhất định trong giai đoạn này. Đây chính là giai đoạn đánh dấu mốc phát triển của trẻ sơ sinh trong cảm xúc từ phụ thuộc sang độc lập (tự quyết định, tự biết mình yêu – ghét cái gì).

Hãy cho bé mang theo một món đồ chơi yêu thích khi đi ra ngoài, hoặc đến một môi trường mới. Điều này sẽ giúp bé yên tâm và tự tin hơn rất nhiều.

Tự bám đứng

Trong khoảng tháng thứ 8 đến 10, bé bắt đầu có thể vịn vào đồ vật, thành cũi, để đứng lên.

Ban đầu có thể bé không biết ngồi xuống thế nào nên sẽ rất hoảng và khóc, cha mẹ hãy hướng dẫn bé cách gập đầu gối để từ từ ngồi xuống mà không bị ngã. Sau vài lần, bé sẽ học được và tự chủ hơn trong việc bám đứng lên và thả mình ngồi xuống. Khi đã quen, bé có thể đứng rất lâu mà không cần sự hỗ trợ.

  Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh 8 - 12

Ném, thả mọi đồ vật

Một trò chơi ưa thích đánh dấu mốc phát triển của trẻ 8 – 12 tháng là ném, thả mọi đồ vật. Nếu càng được người lớn nhặt lại cho, bé càng thích thú và ném đi nhiều hơn.

Bạn có thể tăng sự tương tác bằng cách chơi cùng bé, nhặt cho bé thả; hoặc cũng có thể đặt bé ngồi dưới sàn, để bé tự ném – nhặt thoải mái.

Sử dụng các cử chỉ đơn giản

Bé bắt đầu sử dụng rất nhiều cử chỉ đơn giản từ tháng thứ 9 trở đi. Thực tế, bé hiểu nhiều hơn rất nhiều so với cha mẹ tưởng.

Bạn hãy gọi tên các thành viên trong gia đình, vật nuôi, đồ chơi yêu thích…bạn sẽ thấy bé phản ứng rất nhanh, tìm kiếm hoặc nhìn về phía có người, đồ vật đó. Vì vậy, đừng sợ bé không hiểu, hãy nói chuyện với bé thật nhiều để tăng vốn ngôn ngữ cho bé từ giai đoạn này.

Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh 8 - 12 tập ngồi

Tự bốc ăn

Khi bé bắt đầu ngồi tốt, cha mẹ có thể giới thiệu với bé các loại thức ăn có thể cầm nắm dễ dàng để bé làm quen và tham gia vào bữa ăn cùng cả gia đình.

Việc bốc ăn lúc này vừa giúp dạy cho bé biết về các mùi vị khác nhau, vừa giúp bé luyện vận động tinh với những ngón tay. Một số thức ăn phù hợp cho bé như rau củ luộc, hoa quả cắt thành thanh, pho mai, sữa chua, bánh quy ăn dặm…

Tham khảo ghế ăn dặm tốt cho békhay tập ăn dặm

Vịn đi

Tháng thứ 11 đánh dấu một mốc phát triển của trẻ khi bé bắt đầu có thể vịn vào các đồ vật trong nhà như ghế sofa, bàn, tủ…trong tầm với để đi quanh nhà. Khi đã thành thạo, bạn sẽ thấy trong nháy mắt bé đã đi từ đầu này đến đầu kia phòng chỉ bằng cách vịn vào đồ vật.

Cha mẹ hãy giải phóng không gian thoáng nhất có thể, cho bé dễ dàng vận động. Tránh để bé bám vào các đồ vật quá nhẹ, dễ đổ như tủ nhựa, hoặc các đồ vật có góc cạnh sắc nhọn.

 

Nói một vài từ đơn giản

Phần lớn các bé sẽ biết nói một vài từ đơn giản như “bà bà”, “ma ma”… để đánh dấu thêm mốc phát triển của trẻ khi bước sang 1 tuổi. Có những bé biết nói nhiều từ hơn, nhưng nếu bé nhà bạn chưa nói được từ nào thì cũng đừng lo lắng.

Trước khi biết nói, bé sẽ cần một giai đoạn tích lũy ngôn ngữ, và bật ra thành tiếng khi đã tích lũy đủ, các bé biết nói chênh nhau một vài tháng là rất bình thường. Người lớn trong nhà hãy nói chuyện thật nhiều với bé để khuyến khích bé thích nói và biết nói nhanh hơn.

 

Tìm hiểu để giúp bé phát triển tốt hơn:

Cách đọc sách Ehon cho bé hiệu quả

[Review] App cho bé học: Khan Academy Kids (phần 1)

TozyTomo

About Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Previous post [Review] App tiếng Anh cho bé học: Khan Academy Kids (phần 1)
Next post Cách dạy con nghe lời: Top 10 nguyên nhân từ gia đình