Con không nghe lời là một trong những vấn đề phổ biến nhất thường đem lại nỗi buồn phiền, căng thẳng và cảm giác bất lực cho cha mẹ đang nuôi con ở bất cứ lứa tuổi nào. Sau khi xác định được một số nguyên nhân khách quan từ cả gia đình khiến cho con có những hành vi bướng bỉnh, khó bảo, bố mẹ cần ngay lập tức hành động để uốn nắn, giúp con thay đổi sớm trước khi hành động ăn vạ, không nghe lời trở thành tính cách xấu.
Đặt ra giới hạn cho con
Trẻ nhỏ được người lớn nuông chiều là chuyện bình thường, nhưng nuông chiều đến mức con không nghe lời, biến ăn vạ, ương bướng thành vũ khí để đạt được mọi thứ theo ý mình là dấu hiệu đáng báo động.
Cha mẹ và những người lớn trong gia đình cần đặt ra giới hạn cho con. Ví dụ, mỗi tháng con chỉ đươc mua tối đa một món đồ chơi mới, nếu đã mua rồi thì không được đòi hỏi thêm cho đến tháng tiếp theo. Hay mỗi lần xem điện thoại, con chỉ được xem 30 phút, khi mẹ báo hết thời gian phải trả lại điện thoại cho mẹ, không được nấn ná cố xem thêm, dù con khóc lóc, ăn vạ, bố mẹ cũng cần kiên quyết thu lại điện thoại như đã giao hẹn.
Việc của con, con phải tự làm
Dù rất nhiều mẹ luôn than phiền về việc phải đi sau dọn cho con, hoặc “Con không nghe lời, chẳng chịu làm gì cả!” nhưng đó là do cha mẹ đã làm hộ con mọi việc trong thời gian quá dài vì thương con, chiều con hoặc đơn giản là vì thấy con lóng ngóng nên lao vào làm hộ cho nhanh.
Ngay từ tấm bé, cha mẹ và người lớn trong nhà cần học cách kiên nhẫn để con tự thực hiện những công việc cá nhân, hoặc những việc đã được giao. Ngoài ra, cha mẹ hãy chấp nhận việc con làm chậm, làm sai, làm hỏng như một phần tất yếu của quá trình học hỏi và hoàn thiện các kỹ năng sống.
Làm một tấm gương tốt cho con
Những năm đầu đời là khoảng thời gian trẻ học thông qua bắt chước, vì vậy, bố mẹ và người lớn trong gia đình đừng làm những gì bạn không muốn trẻ làm.
Chắc chắn không ít mẹ đã giật mình khi nghe con có những từ ngữ, hành động không phù hợp, ví dụ “…như điên í!” hay “…cái thằng bố mày”; hoặc ngoáy mũi, khạc nhổ nơi công cộng. Những từ ngữ và hành động này trẻ đã vô tình thấy và học được từ bố, mẹ, hoặc những người trong gia đình từ lúc nào, và đến khi được yêu cầu sửa thì thật khó! Vô tình, những hành động xấu của người lớn lại biết trẻ thành đứa con không nghe lời.
Hãy giao tiếp bằng mắt với con và hạn chế quát nạt
Đừng làm dụng việc ra lệnh cho con từ xa, gọi với từ phòng này sang phòng khác, hy vọng con sẽ răm rắp thực hiện điều bố mẹ mong muốn. Cha mẹ hãy tôn trong con, đồng thời cũng tăng thêm sức nặng cho nội dung mình cần truyền đạt đến con bằng cách nhìn vào con khi nhờ việc hoặc giao việc cho con.
Nếu con vẫn ương bướng không thực hiện, bố mẹ có thể nhẹ nhàng mời “Bố/ mẹ sẽ cùng làm với con nhé!”, hạn chế tối đa việc giận dữ, cáu gắt với trẻ, dần dần trẻ sẽ học được cách tương tác tích cực lại với cha mẹ vì trẻ thấy mình được tôn trọng.
Để cho con trải nghiệm hậu quả
Con không nghe lời vì người lớn hay dọa bằng lời nói rồi bỏ qua. Một khi bạn phải đưa ra cảnh bảo “Nếu con không làm…thì con sẽ không được…”, thì hãy đảm bảo bạn sẽ thực hiện đúng như vậy và trẻ phải chịu hậu quả do đã không thực hiện việc cần làm.
Ví dụ, khi đã cảnh báo con không được ăn kem, snack, kẹo…nếu không chịu ăn bữa tối, hãy cắt hẳn những phần ăn vặt đó, đừng vì trẻ mè nheo, khóc lóc, hoặc tặc lưỡi “Thôi cho nó ăn vặt tạm cho đỡ đói, được cái gì vào bụng hay cái đấy vậy!” mà cho trẻ ăn. Sau vài lần trải nghiệm những “hậu quả” nho nhỏ, chắc chắn bố mẹ sẽ bớt phải than phiền vì con không nghe lời.
Cho trẻ hiểu lý do cần thực hiện việc nào đó
Không có gì khó chịu bằng việc bị người khác bắt làm một việc mà mình không hiểu làm để làm gì. Vì thế, đừng chỉ bắt trẻ làm cho xong, bố mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu lý do cần thực hiện một việc nào đó cho bản thân hoặc cho người khác.
Ví dụ, khi con ghét đánh răng và chạy trốn mỗi tối mẹ có thể giải thích “Con cần đánh răng hàng ngày vì nếu không đánh răng, mình sẽ bị con sâu ăn mất răng, làm mình rất đau, răng lại bị đen, rất xấu và mất vệ sinh. Các bạn sẽ sợ, không dám lại gần mất!”
Đặt ra luật gia đình
Con không nghe lời cũng thường do bố mẹ không “thiết quân luật” hợp lý từ nhỏ. Hãy đặt ra quy định một số việc và cách ứng xử là bắt buộc trong gia đình, nếu không tuân thủ sẽ phải chịu phạt, ngay cả bố mẹ nếu phạm lỗi cũng phải chấp hành đầy đủ. Như vậy, trẻ sẽ thấy bố mẹ công bằng và sẵn sàng lắng nghe bố mẹ hơn.
Cho trẻ nhiều hơn một cách xử lý
Đôi khi, dù trẻ hiểu chuyện, nhưng vẫn không làm vì không thích, hãy cho con ít nhất hai phương án, để giảm bớt cảm giác ép buộc.
Ví dụ, nếu con không nghe lời mẹ dọn đồ chơi trước khi đi ngủ, thì mẹ có thể đưa ra hai phương án “Một là con dọn đồ chơi gọn gàng, thì con sẽ tiếp tục được mua ô tô mới vào tháng sau, hai là mẹ sẽ dọn và cho bớt đồ chơi của con cho bạn khác, và mình không mua thêm bất cứ món đồ chơi nào trong tháng sau nữa”. Chắc chắn dù vẫn phụng phịu, nhưng trẻ sẽ tự nguyện thực hiện yêu cầu để tránh “tổn thất” có thể xảy ra.
Cho trẻ “deadline”
Để việc con không nghe lời không làm mất thời gian và sự kiên nhẫn của bạn, hãy cho trẻ “deadline” bằng cách đếm từ 1 đến 3 để trẻ có cảm giác trì hoãn thêm được một chút và “khởi động” trước khi đứng lên thực hiện nhiệm vụ.
Ví dụ, khi trẻ tắm xong nhưng không chịu tự mặc quần áo, hãy nói “Mẹ đếm từ 1 đến 3, con không tự mặc xong quần áo thì mẹ sẽ…”, sau đó mẹ bắt đầu đếm. Nếu trẻ vẫn kiên quyết không thực hiện, hãy nhớ nghiêm túc áp dụng hình phạt như bạn đã nói trước đó.
Nhất quán trong cách dạy con của cả gia đình
Con không nghe lời còn thường xuất phát từ cách dạy con không nhất quán giữa các thành viên trong gia đình, giữa vợ và chồng, giữa ông bà và bố mẹ. Vì vậy, ngay từ lúc trẻ chào đời, cả gia đình cần thống nhất cách nuôi và dạy giỗ bé, tránh những cảnh dở khóc dở cười như bố mẹ vừa phạt bé úp mặt vào tường thì bà gọi ra bênh, xin lỗi giúp, thậm chí là mắng cả bố mẹ trước mặt bé. Sau một vài lần, bé sẽ nhờn và không còn nghe lời bố mẹ nữa.
Trong trường hợp không thể thống nhất cách dạy giữa các thành viên, thì người lớn cần có sự thỏa hiệp với nhau trước mặt bé. Chỉ có một người lên tiếng với bé, những thành viên còn lại dù đồng ý hay không cũng không tranh cãi lại, mà có thể trao đổi vào một thời điểm khác.
Hy vọng với 10 bí quyết trên, bạn và gia đình sẽ giảm bớt phần nào áp lực vì con không nghe lời, và xây dựng được thói quen tương tác tốt hơn giữa con với bố mẹ, cũng như các thành viên khác trong gia đình.
⇒ Xem thêm phần trước:
Con không nghe lời: Top 10 nguyên nhân gia đình làm hư bé 2-5 tuổi (Phần 1)
⇒ Cha mẹ có thể tham khảo quyển sách rất hay giúp giải quyết vấn đề con không nghe lời:
Nói sao cho trẻ nghe & nghe sao cho trẻ chịu nói (Adele Faber, Elaine Mazlish)
Combo 2 quyển: Nói sao cho trẻ nghe, và Nói sao cho trẻ chịu học