Dạy bé tập nói là một trong những mối quan tâm lớn nhất của cha mẹ có con trong giai đoạn từ 12 đến 36 tháng. Vì khả năng nói và thể hiện suy nghĩ, mong muốn cá nhân thông qua ngôn ngữ sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong những năm đầu đời của mọi đứa trẻ.

dạy bé tập nói đọc sách cho bé

1. Những cột mốc quan trọng khi dạy bé tập nói

Khả năng ngôn ngữ của trẻ không đột ngột đến sau một vài ngày, mà nó được hình thành qua một quá trình ngay từ khi trẻ chào đời và chưa có biểu hiện ngôn ngữ gì. Cha mẹ cần nắm được những mốc quan trọng này để dạy bé tập nói hiệu quả hơn:

0 đến 3 tháng

  • Bé biết phát ra những tiếng kêu nho nhỏ, đặc biệt là khi thấy hài lòng – như được ti no
  • Bé biết mỉm cười khi thấy mẹ
  • Bé biết lắng tai nghe khi thấy người nói chuyện với mình, hoặc nghe thấy âm thanh quen thuộc như tiếng ba mẹ phát ra từ đâu đó

4 đến 6 tháng

  • Bé biết làm những âm thanh như đang nói chuyện, thường là các âm “b” “p” “m”
  • Bé phát triển nhiều loại âm thanh phong phú hơn để thể hiện sự đồng ý hoặc phản đối
  • Bé biết phát ra những âm thanh “gr gr…” để thể hiện sự thích thú khi chơi

dạy bé tập nói 2

7 tháng đến 1 tuổi

  • Một thời gian ngắn trước hoặc sau sinh nhật đầu tiên, phần lớn các bé có khả năng nói những từ đơn giản như “ma ma”, “ba bà”, “bai bai”, “măm măm”…
  • Bé nhận ra cách gọi những đồ vật quen thuộc trong nhà như “bánh”, “sách”, “gấu”…
  • Bé có khả năng phản hồi lại bằng hành động với các yêu cầu của ba mẹ như “Con đến đây!”, “Con măm không?”, “Con đưa cho mẹ!”

1 đến 2 tuổi

  • Vốn từ của bé sẽ tăng nhanh qua các tháng sau sinh nhật đầu tiên – ước chừng lên tới 9 từ mới mỗi ngày, hay là 250 từ mới mỗi tháng
  • Bé dần có khả năng dùng câu hai từ như “Cái gì?”, “Mẹ măm”…
  • Bé có khả năng làm theo những mệnh lệnh cơ bản như “Lấy quyển sách trên bàn cho mẹ” hay trả lời những câu đơn giản như “Sách của con đâu rồi?”

2 đến 3 tuổi

  • Vốn từ của bé khi này đã rất phong phú
  • Bé biết cách gọi tất cả các thành viên trong nhà, đồ vật thân quen, bộ phận cơ thể…
  • Bé có thể nói câu dài hơn với ba hay bốn từ hoặc nhiều hơn
  • Bé hiểu các khái niệm khác biệt như “to” và “bé”…

dạy bé tập nói 3

2. Cách dạy trẻ tập nói theo từng giai đoạn

Như bạn đã thấy, khả năng tiếp nhận ngôn ngữ trong mỗi giai đoạn của trẻ sẽ khác nhau, vì vậy ba mẹ và người lớn trong nhà cũng cần áp dụng các cách để dạy trẻ tập nói phù hợp với từng giai đoạn tuổi.

0 đến 6 tháng

  • Vì bé chưa nhìn được xa nên ba mẹ cần nói chuyện gần, và nhìn vào mặt bé khi nói chuyện. Bé sẽ tiếp nhận được việc đang có người nói với mình và dần dần sẽ có nhu cầu đáp lại
  • Nói chuyện với bé trong khi đang làm các việc cho bé như cho ăn, tắm, mặc quần áo
  • Hát cho bé nghe như một cách thu hút, giải trí và làm phong phú ngôn ngữ cho bé
  • Lặp lại những từ ngữ quen thuộc trong thế giới xung quanh bé

6 đến 12 tháng

  • Chỉ cho bé những sự vật, sự việc xung quanh. Ví dụ: “A, cái bàn này”. Bé lớn hơn một chút bạn có thể bổ sung thêm nhiều thông tin nhận biết hơn. Ví dụ: “Cái bàn có màu nâu”
  • Khi bé bắt đầu ngồi được, bạn có thể cho bé chơi các đồ chơi phát ra âm thanh dạy bé tập nói như: Máy tính bảng thông minh , Sách tập đếm thú cưng
  • Cho bé làm quen với sách như một món đồ chơi. Bạn đầu bạn có thể chỉ vào hình ảnh và đọc tên cho bé biết con vật, đồ vật trong sách, rồi dần dần đọc những câu chuyện ngắn, và tăng dần lượng thông tin cho bé. (Xem các đầu sách gợi ý cho bé ở phần dưới)

12 đến 18 tháng

  • Phần lớn các bé bắt đầu tập nói và thích nói trong giai đoạn này. Hãy giới thiệu cho bé về mọi thứ xung quanh, và nói chuyện như cách bạn nói chuyện thông thường để bé có thể tiếp nhận ngôn ngữ một cách chuẩn nhất.
  • Nếu bé nói sai, ngọng, hãy nhắc lại câu nói của bé theo cách đúng; đừng bắt chước cách nói ngọng của bé. Ví dụ: Bé gọi “Cái ná”, mẹ sẽ nói đầy đủ lại “Đúng rồi, đây là cái lá”
  • Đưa ra cho bé những hướng dẫn ngắn gọn trong một bước để bé tập ghi nhận thông tin và chuyển thành hành động. Ví dụ: Con đưa cho mẹ cái bỉm nào!

2 đến 3 tuổi

  • Giúp trẻ xây dựng khả năng ngôn ngữ với câu dài, đầy đủ chủ ngữ vị ngữ. Ví dụ: khi bé nói “Uống sữa”, ba mẹ có thể dạy cho bé câu dài hơn “Mẹ ơi, cho con uống sữa”
  • Hãy tận dụng những lúc đi chơi, xem một bộ phim hoạt hình cùng bé…để trao đổi với bé về nhiều nội dung phong phú hơn, giúp mở rộng vốn từ và các câu phức tạp cho bé
  • Bé ở tuổi này cũng rất thích giúp đỡ ba mẹ và mọi người xung quanh, nên bạn có thể nhờ bé những việc vừa sức, với hướng dẫn từ 2 đến 3 bước. Điều này sẽ giúp bé tăng khả năng ghi nhớ và có thể thực hiện một chuỗi hành động. Ví dụ: “Con đi ra phòng khách, lấy cho mẹ hộp giấy ăn ở trên bàn vào đây nhé!”
  • Cùng bé chơi những trò chơi phân vai/ đóng vai để tăng cường chất lượng hội thoại giữa bạn và bé. Ví dụ: Chơi nấu ăn (tại đây), Chơi trò kỹ sư sửa chữa (tại đây)

dạy bé tập nói 4

3. 5 bí quyết khi dạy bé tập nói cần áp dụng sớm

Nói chuyện thật nhiều với trẻ

Ngay từ khi trẻ chỉ vài tháng tuổi, hãy nói chuyện thật nhiều với trẻ dù trẻ chưa thể hiểu và trao đổi lại với bạn bằng ngôn ngữ. Dù đôi khi bạn sẽ thấy thật buồn cười khi một mình thao thao nói lúc cho bé ăn, bé tắm, bé chơi… nhưng đây chính là cách đơn giản nhất để dạy trẻ tập nói thông qua “tắm ngôn ngữ” mẹ đẻ từ bé.

Giao tiếp với trẻ bằng cả cơ thể

Bên cạnh ngôn ngữ nói, hãy sử dụng cả ngôn ngữ cơ thể, dấu hiệu để giao tiếp với trẻ. Bằng cách mỉm cười, khua tay múa chân, dùng tay miêu tả hành động, dùng biểu cảm khuôn mặt thể hiện cảm xúc…bạn sẽ giúp trẻ nắm đươc các từ mới, các khái niệm một cách dễ dàng và đa chiều hơn. Ví dụ, bé sẽ hiểu cái dao rất sắc và nguy hiểm khi bạn giả vờ chạm tay vào và nhăn mặt kêu “á, đau quá! Mình không nên chơi với dao con nhé!”, thay vì chỉ nói bằng miệng.

dạy bé tập nói 5

Lắng nghe và phản hồi

Hai kỹ năng này tưởng như rất đơn giản, và đương nhiên phải có trong giao tiếp, song thực ra rất nhiều khi chúng ta quá bận rộn với công việc, với việc nhà mà quên mất việc phải lắng nghe và phản hồi lại con. Thay vào đó, bạn chỉ gật gù, ậm ừ cho có để ra vẻ đang nghe con nói mà thôi.

Trong giai đoạn dạy bé tập nói, và cả sau này, hãy cố gắng thực sự lắng nghe và tương tác với câu chuyện của trẻ bằng cả lời nói, ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể. Vì trẻ rất tinh ý nên chỉ sau một thời gian quan sát thấy ba mẹ không thực sự nghe và hiểu những gì con nói, chúng sẽ giảm bớt hoặc dừng hẳn việc chia sẻ với bạn.

Hát cho bé nghe

Dù bạn hát không hay, thậm chí là rất dở, nhưng đừng ngại nghêu ngao hát những bài hát thiếu nhi cùng bé, vì theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhịp điệu lên xuống của âm nhạc sẽ giúp bé thấy hấp dẫn, từ đó tiếp nhận và ghi nhớ ngôn ngữ dễ hơn so với những lời nói đều đều.

Ngoài cách hát một mình, bạn có thể dạy trẻ tập nói bằng cách hát cùng, hát theo các đồ chơi phát nhạc của bé để bé thấy được cách thể hiện đa dạng của âm thanh, ngôn ngữ.

dạy bé tập nói đọc sách cho bé

Đọc sách, truyện cho bé từ sớm

Đọc sách, truyện cho bé từ sớm là một cách không những dạy bé tập nói hiệu quả mà còn giúp xây dựng vốn từ phong phú từ nhỏ, khả năng vận dụng ngôn ngữ đa dạng và rèn thói quen đọc sách cho giai đoạn tiếp theo.

Dưới 1 tuổi, bạn chọn những cuốn sách như đồ chơi, đơn giản và nhiều màu sắc. Ví dụ: Sách vải song ngữ, Sách vải số đếm, Sách nhựa có nhạc, Sách Ehon các giác quan 

dạy bé tập nói đọc sách cho bé 2

Từ trên 2 tuổi, bạn chọn những cuốn sách có nội dung đa dạng hơn, số lượng chữ tăng dần từ hơn 10-20/trang lên tới 50 – 70 từ/trang. Bé sẽ thích những truyện có cốt truyện, có cảm xúc như Bộ Ehon Chúng mình lớn rồi (3 – 6 tuổi)

dạy bé tập nói sách ehon

⇒ Tham khảo thêm:

Top sách cho bé 1 tuổi: Học gì để phát triển giác quan, ngôn ngữ, tư duy

Top sách cho bé 2 tuổi: Học gì để phát triển cảm xúc, ngôn ngữ, tư duy

Top sách cho bé 3 – 4 tuổi: Đọc gì để phát triển trí tuệ, cảm xúc và sáng tạo 

TozyTomo

 

About Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Previous post Làm thế nào để luyện trẻ tự chơi một mình trong 3 bước?
cách dạy trẻ 3 tuổi tư duy Next post Top cách dạy trẻ 3 tuổi tư duy xâu chuỗi logic